Chương trình “Dòng nghề tâm sử” được NSND Thanh Tòng thực hiện vào năm 2009 khái quát quá trình hình thành, phát triển nghệ thuật cải lương tuồng cổ và sự đóng góp của đại gia tộc Bầu Thắng – Minh Tơ cho sân khấu cải lương. (Ảnh: Ngọc Tuyết) Trong dòng chảy lịch sử nghệ thuật dân tộc thì nghệ thuật Cải lương là viên ngọc quý, đầy sức sống của sự sáng tạo. Nhờ khả năng dung nạp, chọn lọc tinh hoa nghệ thuật trong, ngoài nước nên từ khi ra đời, nghệ thuật Cải lương đã luôn mới mẻ và hấp dẫn. Các nghệ nhân tiền bối liên tục bồi đắp sáng tạo, làm cho nghệ thuật Cải lương theo thời gian phát triển đa dạng, phong phú, trong đó có nghệ thuật Cải lương Tuồng cổ. Giá trị truyền nghề – Giá trị nhân văn Tại TPHCM, có 2 dòng tộc theo trường phái Tuồng cổ, đó là đại gia đình Vĩnh Xuân, Bầu Thắng – Minh Tơ – Thanh Tòng(1) và Huỳnh Long(2). Theo thời gian, bộ môn nghệ thuật này phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng với các chi tộc gia đình, không chỉ có diễn viên, nhạc sĩ, nhạc công, mà còn nhiều người chọn nghề may phục trang, làm đạo cụ tuồng cổ, mũ mão, hài,… NSND Thanh Tòng được mệnh danh là vị “Thống soái” của nghệ thuật Cải lương Tuồng cổ thuộc thế hệ thứ tư trong đại gia đình hoạt động nghệ thuật Hát bội từ đầu thế kỷ XX. Chính NSND Thanh Tòng và người chú ruột – nhạc sĩ Đức Phú là người có công đầu, công lớn xây chiếc cầu nối giữa xưa – sau, là nhân tố quyết định làm nên cuộc “lột xác” từ Cải lương pha Hát bội – Cải lương Hồ Quảng để diện mạo Cải lương Tuồng cổ Việt Nam dần được lộ diện và đường hoàng rực rỡ trong dòng chảy của nghệ thuật Cải lương. Sau năm 1975, nghệ sĩ Thanh Tòng vừa là nghệ sĩ biểu diễn, vừa cầm bút sáng tác và cũng là một nhà sư phạm trên sàn diễn – người truyền nghề tâm huyết cho thế hệ sau. Cho nên bên cạnh và sau ông có một lớp nghệ sĩ giỏi nghề, cùng ông đồng tâm hiệp lực viết nên Trang nghề mới: nghệ thuật Cải lương Tuồng cổ, đó là: Ngọc Đáng, Hữu Lợi, Xuân Yến, Hữu Cảnh, Trường Sơn, Thanh Loan, Thanh Thế, Bửu Truyện, Bạch Lê, Bạch Long, Thanh Bạch, Đức Lợi, Bạch Mai, Thùy Dương, Điền Thanh, Vũ Linh, Phượng Mai, Tài Linh, Thanh Sơn, Minh Tâm, Kim Tử Long,… Tuồng tích của sân khấu cải lương Tuồng cổ hầu hết mang tính giáo dục cao, đề cập đến các câu chuyện về hiếu, trung, tín, lễ, tiết, nghĩa; đưa ra những bài học giúp con người hướng thiện..
Năm 1990, NS Bạch Long thành lập đoàn Đồng ấu Bạch Long, gồm: Quế Trân (con của NS Thanh Tòng); Tú Sương, Lê Thanh Thảo (con của NS Trường Sơn – NS Thanh Loan); Trinh Trinh, Xuân Trúc (con của NS Xuân Yến – NS Hữu Cảnh); Chinh Nhân, Bình Tinh (con của NS Đức Lợi – NS Bạch Mai); Linh Tý (con của NS Linh Tâm – NS Cẩm Thu); Chấn Cường,… Các diễn viên nhí được NS Bạch Long thị phạm từng nhân vật cụ thể, chỉ dẫn cách ca ngâm, hóa trang, vũ đạo và diễn xuất trong các vở tuồng do anh biên soạn và dàn dựng như: Cóc kiện trời, Con ngựa và củ cải khỏng lồ, Cầu vòng và đàn thỏ, Trần Quốc Toản ra quân,… Trong khoảng 10 năm, đoàn Đồng ấu Bạch Long đã thu hút một số nghệ sĩ trang lứa, như Vũ Luân,… tiếp tục biểu diễn các vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Bao Công vô lò gạch, Xử bá đao Từ Hải Thọ, Thanh xà – Bạch xà,… Và chỉ trong 10 năm, một đội ngũ nghệ sĩ trẻ, giỏi nghề Cải lương Tuồng cổ đã định danh, như: Quế Trân, Tú Sương, Trinh Trinh, Vũ Luân, Bình Tinh, Chinh Nhân, Lê Thanh Thảo, Tâm Tâm, Thy Trang,… Từ “lò” đào tạo bằng phương pháp truyền nghề này, hầu hết các diễn viên đều đạt giải thưởng cao ở các kỳ Liên hoan, Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc và đoạt các giải thưởng chuyên môn như Giải thưởng Trần Hữu Trang. Trong số đó, 3 nghệ sĩ Quế Trân, Tú Sương và Vũ Luân đã đạt danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, chứng thực giá trị của việc đào tạo theo phương pháp truyền nghề. Hiện nay, dòng tộc này đã xuất hiện thế hệ thứ sáu, con của các nữ diễn viên Trinh Trinh, Tú Sương, Thanh Thảo,… đó là các bé Tú Quyên, Hồng Quyên, Minh Khang (cháu nội của NSND Thanh Tòng) đang chập chững những bước đầu tiên tiếp nối cha mẹ, gia tộc. Dòng tộc Bầu Thắng – Minh Tơ còn có nhiều tài hoa nổi trội khác, như: NS Minh Tâm tiếp nối công việc của người chú – nhạc sĩ Đức Phú, trở thành người viết nhạc cho hầu hết các vở cải lương tuồng cổ; NS Thanh Sơn – giảng viên dạy vũ đạo cho sinh viên Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, là cố vấn vũ đạo, người dàn dựng những màn vũ đạo đẹp mắt của nhiều đơn vị nghệ thuật, đoàn làm phim, các chương trình game show Tài tử tranh tài, Cười xuyên Việt,… ; NS Công Minh là một tên tuổi trong giới thiết kế phục trang, đặc biệt là những bộ cổ trang tỉ mỉ, công phu với độ chính xác cao về bối cảnh, tính cách nhân vật; NS Bạch Long tham gia đào tạo nhiều lớp diễn viên nhí cho các đơn vị nghệ thuật, các câu lạc bộ, nhà văn hóa về diễn xuất, vũ đạo Tuồng cổ;… Giá trị nghệ thuật Sau 1975, nếu như các nghệ sĩ kịch nói, cải lương hòa nhập nhanh vào đời sống xã hội và hoạt động sân khấu trong hoàn cảnh đất nước thống nhất, thì đội ngũ nghệ sĩ Cải lương Hồ Quảng loay hoay, gần như bế tắc, vì các tích tuồng Tàu, vũ đạo, âm nhạc,… không phù hợp để tiếp tục trình diễn. Rất nhiều nghệ sĩ hoạt động trong trường phái này phải làm nghề khác sinh sống. Vượt lên những mặc cảm về một “sân khấu ngoại lai”, NS Thanh Tòng lắng nghe nhiều góp ý, vừa tiếp thu, vừa nhìn lại. Khi nhận thức được vai trò của người nghệ sĩ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là trọng trách, cần loại bỏ các yếu tố vay mượn trong điệu thức âm nhạc, vũ đạo Hồ Quảng, nói khác đi, phải Việt hóa hoàn toàn từ kịch bản, âm nhạc, vũ đạo,… NS Thanh Tòng bắt tay nghiên cứu sâu hơn các trình thức vũ đạo hát bội, các thế võ Việt, các điệu Lý, Dân ca để chọn lọc, thử nghiệm đưa lên sân khấu; tận dụng giai điệu ngọt ngào của các bài Lý dân gian Việt Nam như Lý Cái Mơn, Lý Chuồn chuồn, Lý Chiều chiều, Lý Cây bông, Lý Mù sương, Lý Con sáo, Trăng thu Dạ khúc,… đưa vào bài bản cải lương thành cổ kim hòa điệu, sử dụng nhuần nhuyễn vào các lớp diễn phù hợp. Khi tham gia Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp năm 1980 với vở Dưới cờ Tây Sơn, Đoàn nghệ thuật Tuồng cổ Minh Tơ lần đầu tiên có cơ hội trình diễn trước hàng trăm đồng nghiệp cả nước với phong cách mới. Đoàn đã được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt, được giới chuyên môn cả nước đánh giá cao. Sau đó, nhiều vở diễn đề tài lịch sử Việt Nam ra đời, khẳng định thế mạnh của Đoàn Minh Tơ ở thể loại Tuồng cổ, như: Dựng cờ cứu nước, Câu thơ yên ngựa, Giai nhân và Dũng tướng, Ngọn lửa Thăng Long, Bảo táp Nguyên phong, Tô hiến Thành xử án, Má hồng soi kiếm bạc, Bức ngôn đồ Đại Việt,… với nhiều bài bản tân nhạc được sáng tác hoàn toàn mới trên nền nhạc Bolero, Dân ca,… qua đó xây dựng hình tượng nghệ thuật – các nhân vật lịch sử mang tính giáo dục cao như Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Huệ, Phạm Cự Chích,… góp phần hiệu quả trong định hướng thẩm mỹ hưởng thụ nghệ thuật sân khấu, tạo nên sắc thái độc đáo riêng của nghệ thuật Tuồng cổ, với các trình thức vũ đạo đẹp mắt, diễn xuất đặc tả nội tâm nhân vật. Đó là sự phát triển, thành quả đáng ghi nhận của Cải lương Tuồng cổ về mặt biên kịch, âm nhạc, dàn dựng, vũ đạo. Đáng tiếc, cho tới nay, những tìm tòi, sáng tạo của NSND Thanh Tòng, nhạc sĩ Đức Phú, NS Bạch Long, nhạc sĩ Minh Tâm… về nghệ thuật biên kịch, vũ đạo, âm nhạc, những bài ca mới sáng tác, trang phục sân khấu tuồng cổ, đạo cụ,… vẫn chưa có công trình nào ghi lại một cách bài bản, chỉn chu, có hệ thống về mặt học thuật, lý luận và phương pháp luận để làm cơ sở minh chứng cho cuộc “lột xác” từ Cải lương Hồ Quảng sang Cải lương Tuồng cổ Việt Nam.