‘Sử dụng những từ ngữ như vậy trong cải lương không thể nói là trực diện, mà phải gọi là thô thiển, không còn tính nghệ thuật’

Một đoạn trích trong vở Thế giới ảo đang gây tranh cãi - Ảnh: SĨ TÍNH
Một đoạn trích trong vở Thế giới ảo đang gây tranh cãi – Ảnh: SĨ TÍNH

Những ý kiến trên do bạn đọc gửi về cho Tuổi Trẻ Online sau bài viết Đem cả bao cao su và thuốc ngừa thai vào câu ca cải lương: Trực diện hay thô thiển?, phản ánh một đoạn trích trong vở Thế giới ảo diễn trong tập 8 của chương trình Học viện cải lương với những câu từ nhắc đến chuyện ngừa thai gây tranh cãi.

Tuổi Trẻ Online liên hệ với NSND Bạch Tuyết, viện trưởng Học viện cải lương, thông qua quản lý Dunal Trần nhưng không nhận được câu trả lời chính thức.

Sử dụng câu từ mạnh cần đúng bối cảnh

Trên fanpage của Học viện cải lương, nhà sản xuất giải thích:

“Đoạn trích nói về những người trẻ có quan niệm yêu cuồng sống vội, nên dẫn đến hậu quả có thai ngoài ý muốn. 

Thông qua đây, chúng tôi muốn cảnh báo giới trẻ về thực trạng trên, cũng như đề cao sự quan tâm đúng mực của gia đình, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hôm nay.

Hơn nữa, trong việc giáo dục giới tính, nhất là vấn đề sức khỏe sinh sản của người vị thành niên, thành niên thì cần gọi tên đúng các hình thức, biện pháp, nhân tố… để mọi người có thể nắm, hiểu rõ”.

Một số ý kiến thì cho rằng đây là vở diễn xã hội nên chuyện đề cập đến bao cao su hay thuốc tránh thai là bình thường.

Độc giả Đảm Ý của Tuổi Trẻ Online viết:

“Tên tuổi của diễn viên Bạch Tuyết gắn liền với loại hình cải lương “xã hội”, đương thời cũng có nhiều ý kiến không hài lòng về tuồng tích, cách ăn mặc. Nếu nhìn nhận một cách cởi mở theo phương diện xã hội thì đúng là có không ít nam nữ đổ lỗi cho nhau khi có thai ngoài ý muốn. 

Thật sự nếu nói tránh đi chắc cũng chỉ quanh quẩn cù cưa “tại anh”, “tại em” mà thôi. 

Đúng là hơi gượng, nhưng lời ca như trên tôi thấy không có gì là thô thiển hết, bây giờ trường học cũng đã giáo dục giới tính rồi. 

Việc tuyên truyền tránh thai đúng cách với cách tiếp cận sân khấu như vậy cũng không xấu”.

Với bạn đọc Thanh thì chuyện này là bình thường. So với phim Việt chiếu rạp thì ngôn từ và diễn xuất trong chương trình cải lương này chưa thấy gì là dữ dằn. 

Nghệ sĩ Bạch Tuyết ca cải lương trong buổi giới thiệu Học viện cải lương do bà làm viện trưởng - Ảnh: LINH ĐOAN
Nghệ sĩ Bạch Tuyết ca cải lương trong buổi giới thiệu Học viện cải lương do bà làm viện trưởng

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nghệ sĩ Hạ Nắng, diễn viên đoàn Đồng ấu Bạch Long, cho biết việc sử dụng câu từ mạnh như: bao cao su, thuốc ngừa thai là chuyện bình thường ở các vở diễn xã hội, nhưng cần đặt trong một bối cảnh hợp lý:

“Nếu đặt trong bối cảnh là nhân vật mang tính chất hài hoặc nhân vật bác sĩ nói chuyện với bệnh nhân hoặc nhân vật nói nội dung tuyên truyền thì sẽ hợp lý, nhưng hai nhân vật chính đang nói chuyện tình cảm, đề cập đến vấn đề có con trong một bối cảnh nghiêm túc thì việc này sẽ làm giảm giá trị của lời ca. Khán giả sẽ không tin và cảm thấy rất hài hước”.

Hạ Nắng cũng cho biết khi học tại Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh, các giảng viên rất nghiêm khắc trong việc dựng bài, tiểu phẩm. Đạo diễn, tác giả có thể đưa những cái mới của đời sống hiện thực vào nhưng bắt buộc phải hợp lý, đúng với tình huống, bối cảnh. 

“Bởi cải lương phản ánh hiện thực đời sống xã hội, nhưng một khi đã đem lên sân khấu thì phải biết chắt lọc, nghệ thuật hóa” – anh chia sẻ.

Dưới góc nhìn của một nghệ sĩ trẻ, Hạ Nắng bảo có nhiều cách để phản ánh vấn đề hiện thực trong ca từ cải lương mà không nhất thiết phải nói thẳng ra. Trong các vở cải lương xưa, lời thoại thường đơn giản, dễ hiểu.

Ví dụ, khi nhân vật nữ nói với nhân vật nam về chuyện mình có thai thì có thể thoại: “Em đang mang trong mình giọt máu của anh” .

Làm mới cải lương nhưng đừng vượt khuôn khổ

Đa số độc giả của Tuổi Trẻ Online đều đồng tình rằng việc đưa những từ ngữ như vậy vào cải lương là không phù hợp, dù có muốn thể hiện sự thực tế đến đâu đi chăng nữa.

Độc giả Tùng Việt bảo: “Việc sử dụng những từ ngữ như vậy trong ca từ cải lương không thể nói là trực diện với thực tế, mà phải gọi là thô thiển, không còn tính nghệ thuật”.

Còn độc giả Duy Anh nói: “Làm mới cải lương nhưng đừng vượt qua những khuôn khổ cho phép”.

Bạn đọc Vương Nữ Kiều Đoan Trinh ghi nhận những “điểm sáng” xuyên suốt của chương trình. Thế nhưng “đem cả bao cao su và thuốc ngừa thai vào câu ca cải lương” là không ổn.

Với bạn đọc Tý Cô Nương, trong câu ca cải lương mà hát như thế thì rất thô thiển.

Độc giả Gia Lạc khẳng định: “”Văn hay, ý đẹp” là tôn chỉ của người cầm bút viết văn, thơ, nhạc của tổ tiên truyền dạy…”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *